Đảm bảo ATGTĐS tại ĐN: Chỉ đạo trọng tâm tại Nam Định và Quảng Trị

Trước tình hình tai nạn GTĐS, đặc biệt là tai nạn GTĐS tại các đường ngang (ĐN) có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 15/5/2015, Tổng công ty ĐSVN đã có buổi làm việc với đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ ATGT – Bộ GTVT, Cục ĐSVN… và một số đơn vị liên quan bàn biện pháp đảm bảo ATGT tại các ĐN. Buổi làm việc do đồng chí Đoàn Duy Hoạch – Phó TGĐ Tổng công ty ĐSVN chủ trì.

 

 

Quang cnh buổi làm việc.

 

Theo báo cáo của Trung tâm ƯPSCTT&CNĐSVN, trên toàn mạng ĐSVN hiện có 1.516 vị trí ĐN hợp pháp, trong số đó có 86%  ĐN không đủ điều kiện an toàn; đặc biệt là ĐN tại các vị trí đường bộ song song, liền kề ĐS và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp. Do tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế khiến cho các đường ngang, đường dân sinh quá tải và xuống cấp nhanh chóng, không đáp ứng đủ lưu lượng tham gia giao thông. Cùng với đó là hàng nghìn đường ngang dân sinh trái phép do người dân địa phương tự mở khiến tình hình TNGTĐS diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ tính riêng trong hơn 5 tháng đầu năm 2015 (từ 1/1 đến 10/5/2015), so với cùng kỳ, tai nạn GTĐS xảy ra 109 vụ (tăng 38 vụ, tương đương tăng 53,3%), làm chết 44 người (tăng 5 người), bị thương 87 người (tăng 37 người); trong đó, TNGTĐS xảy ra chủ yếu tại các lối đi dân sinh với 86 vụ, tại ĐN có cảnh báo tự động là 20 vụ, ĐN có biển báo là 3 vụ… Sự cố TNGTĐS xảy ra 69 vụ, tăng 23 vụ (tăng 50% so với cùng kỳ).

 

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hầu hết các vụ TNGTĐS là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang như: không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu tại ĐN, tín hiệu của nhân viên gác chắn; không làm chủ tốc độ, cố tình vượt qua ĐN có tín hiệu cảnh báo; không chú ý quan sát tàu hỏa trước khi qua ĐN…

 

Tại buổi làm việc, tất cả đại biểu tham dự đều thống nhất cho rằng, để ngăn chặn tiến tới giảm dần các vụ tai nạn do phương tiện GT đường bộ với đường sắt, cần triển khai thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND các tỉnh, thành phố; trong đó, chọn 2 đơn vị để chỉ đạo trọng tâm việc thực hiện quy chế này là Nam Định và Quảng Trị; 2 công ty quản lý là QLĐS Hà Ninh và Bình Trị Thiên… Đồng thời, thống nhất đề ra các giải pháp thực hiện như: phân rõ trách nhiệm giữa ngành ĐS, Tổng cục đường bộ và địa phương; Tổng công ty ĐSVN chủ trì cùng với các vụ, cục của Bộ GTVT, UBATGT quốc gia làm việc với địa phương để thống nhất việc phân khai trách nhiệm và đề ra tiến độ thực hiện (trong tháng 5/2015)…

An Phú