Sự cố cầu Ghềnh: Ngành ĐS tăng cường nhân lực, đảm bảo an toàn tuyệt đối

Sự cố sập cầu Ghềnh đã làm gián đoạn hành trình tuyến ĐS Bắc - Nam, vì vậy trong thời gian khắc phục sự cố cầu Ghềnh, ngành Đường sắt sẽ tăng cường nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi của khách hàng. Hành khách sẽ được chuyển tải miễn phí bằng ôtô giữa Biên Hòa và Sài Gòn.

Cụ thể: Hành khách có nhu cầu đổi trả vé liên quan đến việc chuyển tải HK, thay đổi lịch trình sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả. Các công ty VTĐS, Chi nhánh Khai thác và các ga sẽ bố trí nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn hành khách đổi, trả vé, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho hành khách.

Nhân viên ĐS hỗ trợ hành khách xếp dỡ hành lý

Đối với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi lại bằng ĐS, trong thời gian khắc phục sự cố không phải chỉ trả chi phí chuyển tải, các hoạt động bán vé và vận chuyển hành khách của Tổng công ty ĐSVN vẫn diễn ra bình thường. Cụ thể: Tổng công ty ĐSVN vẫn duy trì tổ chức chạy 2 đôi tàu Hà Nội – Nha Trang (SE1/2, SE7/8); 5 đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26) có chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa; duy trì chạy 3 đôi tàu khách địa phương (Vinh – Sài Gòn, Quy Nhơn – Sài Gòn, Nha Trang – Sài Gòn).

Dù bất ngờ phải đón một lượng khách lớn, tuy nhiên, ga Biên Hòa và ga Sài Gòn đã phối hợp làm tốt công tác đón, trả  và chuyển tải hành khách.

Ngành ĐS tăng cường nhân lực phục vụ hành khách tại ga Biên Hòa. - Ảnh: kenh14

Tại ga Biên Hòa công tác phục vụ hành khách cũng được tăng cường, nhân viên nhà ga liên tục thông báo trên loa hướng dẫn hành khách đi tàu mỗi khi có tàu đến và đi. Công tác an ninh trật tự tại ga cũng được lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, mất hành lý... Đoàn tiếp viên Phương Nam đã tăng cường lực lượng từ các chuyến tàu đưa nhân viên từ ga Sài Gòn xuống ga Biên Hòa phục vụ hành khách. Các hành khách được hướng dẫn ra tàu trật tự, không xảy ra chen lấn, xô đẩy. Hành khách được hướng dẫn số toa để có thể dễ dàng lên tàu, chưa có hành khách nào bị chậm chuyến tàu tại ga Biên Hòa.

 

IMG_1014

Hướng dẫn hành khách lên tàu

 

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó phòng nghiệp vụ Đoàn tiếp viên Phương Nam cho biết: “Ngay sau sự việc xảy ra để việc phục vụ hành khách không bị gián đoạn, Đoàn tiếp viên Phương Nam đã huy động nhân viên từ TP. HCM xuống ga Biên Hòa. Công tác phục vụ không có gì thay đổi và đảm bảo phục vụ hành khách một cách tốt nhất”.

Ông Trần Văn Dũng - Phó gám đốc chi nhánh vận tải Bình Thuận khẳng định: “Tất cả các đoàn tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn đã dừng ở ga Biên Hòa, tính đến thời điểm hiện tại, ngành ĐS đã thực hiện chuyển tải 21 đoàn tàu với tổng số 5207 hành khách an toàn.

 

Cũng theo ông Dũng về công tác vận chuyển hàng hóa ngành ĐS đã khẩn trương khảo sát tại ga Hố Nai và Trảng Bom. Trước mắt có hơn 1.000 tấn hàng hóa đã nhận vận chuyển của khách hàng ngành đường sắt đã sử dụng bốc xếp từ ga Sóng Thần về ga Hố Nai để vận chuyển kịp thời. 

 

Hành khách sẽ được trung chuyển miễn phí bằng ô tô từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và ngược lại

Mặc dù phải kéo dài thời gian đi tàu do thực hiện việc chuyển tải nhưng hầu hết hành khách đều tỏ ra thông cảm với sự cố không mong muốn của ngành ĐS, nhiều hành khách cho biết, mặc dù, trong thời gian khắc phục sự cố, ngành ĐS sẽ phải thực hiện việc chuyển tải đoạn từ Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại nhưng hành khách vẫn lựa chọn đi lại bằng tàu hỏa vì sự an toàn và thái độ phục vụ tích cực của nhân viên ĐS khi xảy ra sự cố.

Nhân viên ĐS tận tình hỗ trợ hành khách

 

Chị Nguyễn Thu Hương, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, hành khách đi Sài Gòn– Ga Sy (Nghệ An) chia sẻ “Tôi thấy đây cũng chỉ là sự cố ngoài ý muốn. Vì vậy tôi nghĩ hành khách chúng tôi cũng cần sẻ chia bằng cách chấp nhận chịu khó trung chuyển. Tuy hơi bất tiện nhưng tôi thấy cũng không sao”.

Còn ông Nguyễn Văn Bế (57 tuổi, ngụ Bình Dương), đang đi cùng con cháu cho biết: “Tôi quê ở Hải Phòng, xa quê đã lâu nên khoảng 4 – 5 năm mới cùng con cháu đi tàu về quê một lần. Năm nay lại mua vé trúng dịp cầu đường sắt (cầu Ghềnh) bị tông sập nhưng các nhân viên đường sắt cũng như các phương tiện truyền thông đã công bố rộng rãi nên chúng tôi chủ động phối hợp giải quyết. Do đông nên gia đình tôi tự di chuyển bằng xe taxi xuống ga Biên Hòa, tại ga các nhân viên đã tận tình hướng dẫn. Tuy cực xíu nhưng cũng phải chia sẻ với ngành đường sắt để họ an tâm nhanh chóng sửa lại cầu”.