Những sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Tổng công ty ĐSVN năm 2019

Năm 2019, ngành Đường sắt tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức: đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các loại hình vận tải khác, trong khi đó, vốn đầu tư cho hạ tầng Đường sắt còn hạn hẹp nên chưa có sự đột phá về chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng Đường sắt… Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực của gần 3 vạn CBCNV, ngành ĐS đã đạt được những kết quả nhất định. Nhân dịp năm mới 2020, chúng ta cùng điểm lại những hoạt động nổi bật của Tổng công ty ĐSVN trong năm 2019:

1. Vinh dự đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc: Ngày 25/2/2019, ĐSVN vinh dự được đón Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển đến thăm và làm việc, bàn về các giải pháp phát triển GTVT Đường sắt. Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, cần có chiến lược rõ ràng và làm rõ các quy định về chính sách, ưu tiên phân bổ ngân sách để phát triển đường sắt. Trước đó, ngày 1/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn mọi mặt và công tác phục vụ hành khách, người dân về quê ăn tết tại ga Hà Nội.

2. Đường sắt Việt Nam vinh dự đón Chủ tịch Kim Jong Un tới Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2: Sáng 26/2, chuyến tàu đặc biệt đưa Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un đến Ga Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội trong 2 ngày 27 - 28/2 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Chuyến đi bằng tàu hỏa của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới. Xác định đây là nhiệm vụ tối quan trọng, niềm vinh dự cũng như trách nhiệm nặng nề đối với ngành Đường sắt, Tổng công ty đã khẩn trương triển khai công tác phục vụ cho sự kiện như: kiểm tra, chỉnh bị cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, chỉ huy chạy tàu, lập các phương án dự phòng, xử lý sự cố… Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn các mặt khu vực đón, tiễn, góp phần tổ chức thành công sự kiện chính trị, ngoại giao lớn của đất nước. Sau sự kiện này, tháng 5/2019, Ga Quốc tế Đồng Đăng đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận là điểm du lịch của tỉnh.

3Ra mắt nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách: Năm 2019, Tổng công ty ĐSVN tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách như: đóng mới, cải tạo toa xe thay thế dần toa xe cũ với chất lượng tương đương các toa xe đóng mới; mở rộng dịch vụ du lịch bên cạnh vận chuyển hành khách; phát hành Thẻ khách hàng thân thiết; trực tiếp tổ chức tour theo yêu cầu của hành khách; sửa chữa nâng cấp mái che ke ga Nha Trang, sửa chữa Ga Long Biên… đưa vào phục vụ hành khách. Năm 2019, Tổng công ty đã tập trung hoàn thiện nhiều tính năng của hệ thống bán vé điện tử để việc mua vé của người dân được thuận tiện, dễ dàng. Phát triển mở rộng các mô hình hợp tác bán vé và thanh toán với nhiều đối tác lớn như: Ví điện tử Momo, Vimo, Ngân lượng, VNPT Pay, VNPay…; triển khai thí điểm phương thức bán vé đại lý trên website của các đối tác có kết nối trực tiếp tới hệ thống. Đặc biệt, Tổng công ty đã triển khai áp dụng phần mềm lõi quản trị hàng hóa; đưa vào khai thác dịch vụ “Vận chuyển hàng hóa theo phương thức từ nhà đến nhà” trên toàn mạng lưới; Khai trương tàu container Yên Viên - Sóng Thần hành trình 40 giờ; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển container lạnh để vận chuyển hàng hải sản, trái cây... Đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng mở rộng, Tổng công ty đã hợp tác cùng các đối tác đường sắt Trung Quốc, Liên bang Nga, Kazakhstan để tổ chức chức vận chuyển container liên vận quốc tế trên tuyến đường sắt Á – Âu. Hiện đang thực hiện chuyên chở hàng hóa từ Việt Nam tới các nước thứ ba như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Liên bang Nga, Ba Lan, Đức, Anh...

4. Hoàn thành việc lắp đặt 270 cần chắn tự động, tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGTĐS: thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang: Xác định đảm bảo an toàn giao thông ĐS là nhiệm vụ sống còn vì an toàn của người dân và xã hội, năm 2019, Tổng công ty ĐSVN cũng đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp kiềm chế TNGTĐS như: xiết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với đội ngũ trực tiếp làm công tác chạy tàu; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo ATGTĐS tại các vị trí giao cắt ĐS – đường bộ; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia GT... Đặc biệt, trong năm 2019, Tổng công ty ĐSVN đã hoàn thành dự án lắp đặt 270 cần chắn tự động trên tất cả các tuyến ĐS. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn GTĐS. Cùng với đó, tháng 5/2019, Tổng công ty Đường sắt VN đã triển khai lắp đặt thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín, có hỗ trợ quản lý giám sát tại đường ngang km 167+980 tuyến đường sắt Bắc - Nam, thuộc địa phận thị trấn Tào Xuyên, Thanh Hóa). Thiết bị này có chức năng tự động đưa ra tín hiệu cảnh báo khi có trở ngại mà không phụ thuộc vào chủ quan của con người, góp phần tăng cường ATGT đường sắt tại các đường ngang, phòng ngừa các yếu tố mất an toàn do chủ quan, tăng tính tự động hóa, giảm cường độ lao động cho nhân viên gác chắn. Tháng 11/2019, việc thử nghiệm đã được đánh giá nghiệm thu và đang thực hiện các thủ tục báo cáo cơ quan quản lý cho phép áp dụng rộng rãi trên mạng ĐSVN.  

5. Đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng ĐS: Sau một thời gian triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ ray hàn liền, được sự chấp thuận của Bộ GTVT, năm 2019, Tổng công ty ĐSVN tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ này tại km 923+950 – km 924+750 (Công ty CP ĐS Nghĩa Bình); trong thời gian tới sẽ áp dụng trên nhiều tuyến khác nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng ĐS, đảm bảo an toàn và tạo độ êm thuận trong chạy tàu. Cùng với đó, là các giải pháp giảm xóc lắc trên các tuyến cũng được Tổng công ty triển khai áp dụng.

Riêng đối với dự án 7000 tỷ đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải ĐS, hiện Tổng công ty ĐSVN đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai dự án giai đoạn 1 (2900 tỷ đồng) sau khi được các cấp quản lý phê duyệt.

6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng 4.0, năm 2019, nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cao đã được áp dụng, mở ra cơ hội làm chủ khoa học công nghệ, như đề tài: “Nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống tập trung điện khí kiểu 6502” của Công ty CP TTTH ĐS Sài Gòn và “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bàn thử nghiệm để phát hiện sự cố, sửa chữa máy tính ZY 8000-1 trên đầu máy D19E” của Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn. Đây là hai đề tài đã đạt giải Nhất “Giải thưởng Sáng tạo Đường sắt Việt Nam năm 2017-2018” và được vinh danh trong 74 công trình tại “Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam 2019”. Ngoài ra, trong năm 2019, nhiều đề tài KHCN khác đã được triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, an toàn giao thông đường sắt và hiệu quả kinh doanh, điển hình là các đề tài: “Nghiên cứu lắp đặt Hệ thống giám sát giám sát hành trình tuần đường trên tuyến đường sắt”, “Nghiên cứu thiết kế chế tạo và thử nghiệm thiết bị kỹ thuật số để kiểm tra sợi đốt và thắp đèn tín hiệu sử dụng trong tín hiệu điện khí tập trung”, “Nghiên cứu thiết kế chế tạo và lắp đặt thử nghiệm tà vẹt bê tông dự ứng lực khổ đường 1000mm lắp đặt ray thứ 3 tại các đường cong bán kính nhỏ, ray hộ bánh trên cầu và hai đầu cầu”, “Nghiên cứu chế tạo cặp bánh răng ăn khớp giữa trục bánh xe và động cơ điện kéo trên ĐM D19E”...

7. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chủ động đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị cho giai đoạn 2020 – 2025, năm 2019, Tổng công ty ĐSVN đã phối hợp với Trường ĐHGTVT mở lớp đào tạo Kỹ sư toa xe. Với chính sách tài trợ 100% học phí cho CBCNV và 50% học phí cho con em CBCNV; đồng thời cam kết tạo việc làm ngay sau khi ra trường, lớp học đã thu hút 60 học viên là CBCNV và con em CBCNV đang công tác trong ngành ĐS với tổng chi phí đầu tư lên tới gần 6 tỷ đồng. Đặc biệt, Tổng công ty lần đầu tiên mở lớp đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho 75 cán bộ nguồn thuộc điện quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài như: Chương trình đào tạo kỹ thuật viên của JR Easst… Đây là những giải pháp chiến lược, chủ động giải quyết khó khăn trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển ĐS trong thời gian tới.

8. Đường sắt Việt nam được bình chọn là 1 trong 10 tuyến đường đẹp nhất thế giới:

Năm 2019, tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam vinh dự được Hãng tin Sputnik của Nga bình chọn là 1 trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Trước đó, Lonely Planet - một trong những nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới đã xếp tuyến đường sắt Bắc - Nam, với khoảng cách 1.726 km, đứng đầu danh sách 8 điểm đến có hành trình du lịch tàu hoả đáng trải nghiệm trên thế giới.

Đây là những bình chọn rất có giá trị không chỉ đối với Đường sắt Việt Nam, là tiềm năng để phát triển du lịch, thu hút du khách quốc tế mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Nguồn: http://www.vr.com.vn

Tác giả: http://www.vr.com.vn