Ngành Đường sắt hoàn thành 56/57 nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng giao

Sáng 14/8, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng giao cho VNR.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng điều hành buổi làm việc

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết buổi kiểm tra nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng giao cho Tổng công ty ĐSVN và việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng khai thác, vận chuyển hành khách, hàng hóa. Đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để có hướng giải quyết hoặc biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh.

Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nêu rõ, với lịch sử 135 năm hình thành và phát triển, 2,8 vạn cán bộ công nhân viên, trên 3.000 km đường sắt đi qua 34 địa phương, trong thời gian qua, ngành đường sắt đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng công ty đã đạt được nhiều thành tựu, áp dụng công nghệ mới, có nhiều giải pháp trong tổ chức sản xuất, do đó doanh thu tăng 3,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới đạt 45,1% kế hoạch năm.

Tính từ đầu năm 2016 tới ngày 10/8/2017, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Tổng công ty 57 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 56 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Quang cảnh buổi làm việc

Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty báo cáo toàn bộ các giải pháp bảo đảm vấn đề tăng trưởng, thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng. Cụ thể là các giải pháp tăng sản lượng, doanh thu vận tải để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ năm 2017 là 7,19% và khách du lịch tăng trên 30%. Đồng thời, yêu cầu Tổng công ty ĐSVN báo cáo, làm rõ 6 vấn đề được cả nước quan tâm, với yêu cầu cần thực sự đổi mới, thay đổi căn bản ngành vận tải ĐS.

Thứ nhất là về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị, yêu cầu Tổng công ty ĐSVN tính toán để tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thị phần và nâng cao sức cạnh tranh so với các phương thức vận tải khác.

Thứ hai là vấn đề đảm bảo an toàn đường sắt, chất lượng lao động, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của người lao động, bởi tình tình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với 2016 nhưng những vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến an toàn tàu chạy, kết cấu toa xe, kết cấu hạ tầng gây thiệt hại về người đã tạo ra suy tư cho hành khách.

Thứ ba là việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội hóa các dịch vụ hạ tầng; bên cạnh đó, cần phải quan tâm đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có trong khi điều kiện về vốn đầu tư còn khó khăn, hạn hẹp thì cần phải có giải pháp duy trì an toàn, tập trung khai thác tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể - đó là nhiệm vụ thứ tư.

Thứ năm là về công tác tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang, nhất là việc phối hợp với địa phương xây dựng các đường gom.

Cuối cùng là vấn đề cổ phần hóa. Tổ công tác nhận xét Tổng công ty ĐSVN đã làm khá tốt nhưng việc thoái vốn đến nay chưa đạt yêu cầu, mặc dù có thể do sự hấp dẫn, do thị trường nhưng phải đẩy mạnh thực hiện.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty rà soát lại toàn bộ chương trình mục tiêu, giải quyết gói 7.000 tỷ đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt và báo cáo tiến độ. Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT rà soát các điểm ngang, đường đi dân sinh, rà soát các điểm đen TNGT.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cũng nêu thực trạng hiện nay kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, sức cạnh tranh còn kém so với các phương thức khác. Tuy nhiên, đường sắt vẫn là nền kinh tế xương sống của ngành GTVT nên Tổng công ty quyết tâm khai thác triệt để những ưu điểm như vận tải khối lượng lớn, tính an toàn, chỉ số đúng giờ cao, các ga đường sắt tạo điều kiện cho dân đi lại...

Ông Vũ Anh Minh cũng chia sẻ: "Hành khách bỏ đường sắt đi không phải vì giá vé mà hành khách bỏ đi vì chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của đường sắt còn thấp". Để từng bước kéo hành khách trở lại, sử dụng dịch vụ ĐS, Tổng công ty ĐSVN đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục tất cả nhược điểm đã nêu, như nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cấp, đóng toa xe thế hệ mới, sử dụng các thiết bị xử lý mùi tàu, đa dạng hình thức bán vé...

Về vấn đề an toàn đường sắt, ông Vũ Anh Minh cho biết Tổng Công ty ĐSVN đã có báo cáo, đề xuất với Chính phủ gói nâng cấp hàng trăm đường giao cắt với đường sắt. Bởi thực tế có những điểm dù có còi, có biển báo nhưng lái xe vẫn cố cho vượt đường sắt, gây tai nạn, và đường sắt cũng phải chịu không ít thiệt hại. "Cái chúng tôi quan tâm nhất là đóng được các lối đi trái phép, gây ra hiểm hoạ về ATGT đường sắt. Thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo từng đơn vị quản lý trên địa bàn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu" - ông Minh cho biết.

Nguồn: http://www.vr.com.vn

Tác giả: http://www.vr.com.vn