Nhiều địa phương kêu thiếu kinh phí, khó đảm bảo ATGT

Nhiều địa phương đang kêu thiếu kinh phí tuyên truyền, đảm bảo ATGT khi khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực ATGT được phân chia điều tiết về T.Ư 70%, ngân sách địa phương 30%.


 
Lực lượng cảnh sát đường thủy (PC68), Công an tỉnh An Giang kiểm tra thiết bị an toàn của các phương tiện thủy trên tuyến sông HậuẢnh: Khánh Hà
Lực lượng cảnh sát đường thủy (PC68), Công an tỉnh An Giang kiểm tra thiết bị an toàn của các phương tiện thủy trên tuyến sông HậuẢnh: Khánh Hà
Kinh phí không đủ đổ xăng đi tuần tra

Theo Luật xử lý vi phạm   hành chính có hiệu lực thi hành tháng 7/2013, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT được điều tiết 70% về ngân sách Trung ương để chi cho lực lượng công an, còn lại 30% được điều tiết về địa phương để chi cho các lực lượng và hoạt động đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, thực tế này đang đặt các địa phương vào thế “bí” vì ngân sách quá eo hẹp.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, giao thông chủ yếu là đường bộ và đường thủy nội địa, kinh phí xử phạt trên địa bàn tỉnh một năm thu nhiều nhất khoảng 12 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tư, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hòa Bình cho rằng, với nguồn kinh phí eo hẹp khoảng 4 tỷ đồng để lại cho địa phương không đủ chi cho các hoạt động từ huy động lực lượng, tổ chức tuyên truyền, hoạt động, trả lương, văn phòng phẩm...
 
Tại cuộc họp mới đây về công tác bảo đảm ATGT 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, trước nhiều ý kiến của các địa phương về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì mời Bộ Tài chính và Bộ Công an họp bàn phương án sử dụng tiền phạt, đảm bảo cho địa phương, chống cơ chế xin cho. Nếu bất cập phải sửa. 

Ông Lê Phương Huy, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2013 Thái Bình xử phạt được 42 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2014 nguồn thu xử phạt mới được 22 tỷ đồng. Số tiền trích lại cho địa phương không đủ chi để xóa “điểm đen” TNGT, chi cho các tổ chức đoàn thể, mô hình đảm bảo ATGT trên địa bàn. 

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, khó nhất hiện nay là kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT. Năm 2013, chi 35 tỷ đồng cho lực lượng này, nhưng năm 2014 chỉ được 10 tỷ đồng. Anh em không có đủ tiền xăng đi tuần tra. “Tuần tra trên đường thủy chạy canô cứ 100 km hết 10 lít xăng. Chưa đến cuối năm đã hết kinh phí, anh em không đi tuần tra được. Đề nghị xem xét lại”, ông Tươi than thở.
 
Không chủ động kinh phí, nhiều việc không làm được

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, năm 2013 nguồn kinh phí xử phạt vi phạm giao thông trên địa bàn TP khoảng 378 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014, số tiền xử phạt đạt 276 tỷ đồng. 

Trước đây, 70% kinh phí xử phạt vi phạm giao thông được giao cho Công an thành phố chủ động lập kế hoạch trang bị mô tô, ô tô, máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ… phục vụ tuần tra, xử lý vi phạm. Nhưng khi có quy định chuyển 70% kinh phí về Trung ương quản lý, địa phương gần như mất sự chủ động trong việc thực hiện các chương trình đảm bảo ATGT. Kinh phí cho các hoạt động ATGT đến tháng 9/2014 mới duyệt đợt 1. Đến nay đã qua tháng 10 mà kinh phí đợt 2 vẫn chưa được duyệt. Nhiều hoạt động trong công tác tuyên truyền đảm bảo TTATGT gần như không thể thực hiện được.

Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, huyện Long Xuyên và Châu Đốc đã thực hiện giám sát giao thông qua camera. Đây là biện pháp hiệu quả để người dân chấp hành Luật Giao thông. Nhưng giờ tiền không có nên không thể triển khai. 

“Tôi đề nghị Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo việc thực hiện Thông tư 137 và 199 của Bộ Tài chính. Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính, tiền xử phạt để lại 100% cho địa phương, không hiểu sao lại để 70% cho Trung ương để chi cho Bộ Công an. Chúng ta đang bỏ cơ chế xin - cho, không nên để  nguồn tiền này lại Bộ Công an rồi chờ phân bổ”, ông Thạnh đề xuất. 

Cũng chung quan điểm này, ông Tống Duy Kim, Phó Ban ATGT tỉnh Điện Biên cho biết, với địa bàn rộng, cư dân thưa, việc tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm của địa phương dù đã rất cố gắng nhưng mỗi năm nguồn xử phạt chỉ đạt 10 tỷ đồng. Mức thu này theo Thông tư 199/2013 phải dành 70% cho lực lượng công an, 30% để lại cho địa phương, không thể đủ để tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật ATGT. Do đó, nếu đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, nên điều tiết từ những địa phương có số thu tiền phạt nhiều như các thành phố lớn cho các địa phương khó khăn. Vì đảm bảo ATGT là nhiệm vụ chung, chứ không chỉ một cấp một ngành, một địa phương nào cả.

Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế kiến nghị, 100% tiền thu xử phạt ATGT nên giao cho địa phương. Tỉnh cam kết dành 70% cho lực lượng công an. Ngoài ra, tỉnh sẽ lập ngay dự toán chi, tăng cường cơ sở vật chất, xử lý “điểm đen”, chi cho hoạt động đảm bảo an toàn giao thông.
 
Thiện Anh - Khánh Hà

 
Ông Trương Chí Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính: 
Nội dung chi không đổi, nhưng nên đổi cách làm
 
Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, quy định tất cả tiền xử phạt phải đưa vào ngân sách. Chính phủ có Quyết định 2337 tháng 11/2013 quy định phân bổ dự toán, tất cả khoản thu phạt hành chính vào ngân sách địa phương. Riêng khoản thu từ xử phạt giao thông điều tiết 70% ngân sách Trung ương và 30% cho địa phương, có Thông tư 199 hướng dẫn thực hiện. Sau đó là Thông tư 153 hướng dẫn. Nội dung chi không có gì khác, như Thông tư 89. Chỉ khác là tất cả phải đưa vào quản lý ngân sách, phải lập kế hoạch và dự toán. Bộ Công an phải tổng hợp dự toán của công an các địa phương thành một dự toán chung, sau đó trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ và Quốc hội. Tương tự như vậy, các Sở GTVT cũng phải tập hợp tất cả các dự toán để trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh phê duyệt.

Trước đây, 70% để lại cho công an các địa phương, nhưng khoản này cũng phải chuyển lên Bộ Công an. Chúng tôi ghi nhận các ý kiến đề nghị để lại 100% cho địa phương nhưng đề nghị phải họp bàn thêm. Nội dung chi không đổi, chỉ cách làm thôi.
 
Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an: 
Không có chuyện xin - cho từ nguồn thu xử phạt

 Về việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm, không có chuyện xin - cho ở đây. Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu theo Thông tư  89 thì phải sử dụng theo Luật Ngân sách. Theo Thông tư của Bộ Tài chính, tháng 10 hàng năm, các địa phương và công an phải có dự trù chi tiêu. Trên cơ sở đó chi hết 100% cho bảo đảm ATGT và các địa phương, còn lại lập dự án mua phương tiện. Kinh phí của các địa phương đều được để lại 100%.

Bộ Công an  khi được Chính phủ phân bổ đều đã phân bổ hết cho địa phương, chứ không phải giữ lại trên Trung ương.
 
 
T.A