Quân đội nhân dân Việt Nam, 70 năm trang vàng chói lọi

 

 

 

 

 

 

          

Phạm Tiến Quảng

Phó Bí thư Đảng ủy -

Chính trị viên Đại đội tự vệ

Công ty TNHH.MTV.QLĐS Hà Thái

           Thưa các đồng chí và các bạn:

          Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành, đó là Đội tự vệ đỏ (xích đỏ) trong phong trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Những năm 1940-1945, hàng loạt tổ chức vũ trang được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ (Trung Kỳ), đội Du kích Pắc Bó (Cao Bằng), Cứu Quốc quân.v.v... Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo. 

         Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25/12/1944 (ngay sau ngày thành lập), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); 7giờ sáng ngày 26/12/1944 lại đột nhập đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta.

         Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất các lực lượng vũ trang (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác...)  tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hoà bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng cả lực lượng và thế trận; xây dựng tiềm lực mọi mặt, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

         Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

         Kể từ khi thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam vừa chiến đấu vừa xây dựng và trưởng thành nhanh chóng. Quân đội ta đã anh dũng trong đấu tranh vũ trang, vững vàng trong đấu tranh chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ chống giặc ngoài, thù trong, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân trong những năm đầu của chính quyền cách mạng. 

         Ở Miền nam thực dân Pháp được quân Anh và quân Nhật giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã đã tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài. Quân và dân ta bước tiếp vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược để rồi sau "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn..." Quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng này đã trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về “đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”.

Nhưng Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ giải phóng một nửa đất nước, dòng sông Bến Hải tạm thời làm ranh giới chi cắt hai miền Nam, Bắc. Để đáp ứng nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới mà Trung ương Đảng xác định đó là “trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”, quân đội ta nhanh chóng bước vào xây dựng theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955-1960). Nhiệm vụ và phương châm lúc này là: Tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại. Đến năm 1960, quân đội ta đã hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất; có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí trang bị còn thiếu thốn đã trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các quân chủng: Lục quân, Hải quân, Phòng không-Không quân. Đồng thời, với việc xây dựng lực lượng, sắp xếp lại tổ chức, biên chế, tăng cường sức mạnh chiến đấu, quân đội ta đã tích cực tham gia công tác tiếp quản các thành phố, thị xã và các vùng do quân Pháp chiếm đóng ở miền Bắc; bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. 

         Ở miền Nam, tháng 6/1954, Mỹ dựng chính phủ Ngô Đình Diệm và ráo riết thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) mở rộng đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. 

         Ngày 28/8/1959 nhân dân nhiều xã trong huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17/1/1960, nhân dân các huyện Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre nhất loạt nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “Đồng khởi” lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Bộ, Khu 5. Từ phong trào “Đồng khởi”, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận trực tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam. 

         Được sự chi viện của Miền bắc hậu phương lớn, sự giúp đỡ chí tình của các mước XHCN anh em, dưới dự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kinh yêu. Đội quân cách mạng Việt nam hừng hực khí thế ra trận với tinh thần: "Tất cả để đánh thắng giắc Mỹ xâm lược"; "Dù có thể đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng quyết giành cho được độc lập, tự do"... các lực lượng Bộ đội, TNXP, nhân dân cả nước chẳng quản gì mưa bom, bão đạn, chẳng quản gì thịt nát, sương tan, chiến đấu kiên cường mở các mạch máu giao thông quan trọng để chi viện cho chiến trường Miền nam mà tiêu biểu là con đường mòn Hồ Chí Minh; đường Hồ Chí Minh trên biển, đường ống xăng dầu xuyên núi, vượt đèo. Và đặc biệt là con đường tham gia vận chuyển phương tiện, thiết bị, lương thực, chuyên chở hàng triệu lượt cán bộ chiến sỹ ngày đêm ra tiền tuyến ấy là con đường sắt huyền thoại. Ngày đó hàng vạn CBCNV đường sắt cùng với lực lượng TNXP ngày đêm bám cầu, bám đường đảm bảo mạch máu giao thông với tinh thần: "Sống bán cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm"; "Gẫy cầu như gẫy sương, đứt đường như đứt ruột"; "Địch phá ta cứ đi"; và truyền thống: "Qua sông không cầu, chạy tầu không ga" mặc cho lưới lửa của quân thù bủa vây, săn đuổi những con tầu vẫn hiên ngang ngày đêm lao ra tiền tuyến "Tất cả vì Miền nam ruột thịt"; "Tất cả vì tiền tuyến lớn"... Và cùng với và nhiều con đường huyền thoại khác, các binh đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam xung trận với khí thể: "Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai"; cả đoàn quân nhất loạt "Thề chưa hết giặc là ta chưa về", thực hiện lời dạy của Bác: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào"...

         Quân và dân cả nước lần lượt đánh bại chiến lược: “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968); chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ hai vào miền Bắc của đế quốc Mỹ  (1969-1972);

          Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vào thế yếu trầm trọng hơn. Trước nguy cơ đổ vỡ của quân đội Sài Gòn - xương sống của Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; Níchxơn buộc phải huy động trở lại lực lượng quân sự Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai, với hai chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ 1 (6/4/1972) và Lai-nơ Bếch-cơ 2 (đêm ngày 18/12/1972). 

         Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội. Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Bắc và Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” (27/1/1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam.

         Ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên - mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.  Tiếp đó, từ ngày 14/3 đến ngày 3/4/1975, quân ta tiến công, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên. Ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị - Thiên - Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị (19/3); từ ngày 21-25/3/1975, quân ta tiến công, giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan dã toàn bộ quân địch trên chiến trường Trị -Thiên.

         Từ ngày 26- 9/3/1975, quân ta mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An (29/3), làm thay đổi hẳn cục diện và so sánh thế trận lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Ngày 1/4/1975, giải phóng Bình Định, Phú Yên. Ngày 3/4/1975, giải phóng Khánh Hoà nối liền vùng giải phóng từ Tây Nguyên, Trị Thiên và các tỉnh Trung Bộ.

         Trên cơ sở những thắng lợi quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Ngày 29/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực số 5, 7, 25, 18 và 22 của quân đội Sài Gòn. Các binh đoàn thọc sâu tiến vào cách trung tâm thành phố Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Đại sứ Mỹ và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút khỏi Sài Gòn (sáng 30/4). 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng. Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Trong 2 ngày 30 tháng 4 và ngày 1 tháng 5, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các Quân khu 8 và 9 nắm thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển và các đảo ở Tây Nam của Tổ quốc. Hơn một triệu quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền địch bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hơn 20 năm với 5 đời tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

         Thế rồi tháng 4/1977, tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari phát động cuộc chiến tranh xâm lược vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Mùa khô năm 1978, chúng đã huy động 19 trong tổng số 20 sư đoàn bộ binh mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới, gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 23/12/1978, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam đã tiến hành mở cuộc phản công chiến lược và đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêngxari, đuổi chúng về bên kia biên giới. 

         Với sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng và quân dân Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêngxari, hồi sinh, tái thiết đất nước. 

         Ở biên giới phía Bắc, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân tiến công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ đã phối hợp với một bộ phận bộ đội chủ lực cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, buộc Trung Quốc phải rút hết quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979.

          Chiến tranh đã qua đi nhưng ký ức về một thời của những người lính cụ Hồ vẫn còn vẹn nguyên trong trang sử hào hùng của dân tộc. Mỗi con tim Việt Nam mãi mãi tự hào, khắc ghi và biết ơn về những chiến công vẻ vang của họ, Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi công các anh hùng liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh các gia đình có công với nước... Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước nguyện bước theo con đường của Đảng, noi gương các anh quyết xây dựng để non sông đất nước ta ngày càng "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, " như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy, quyết giữ cho được độc lập tự do và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc...

          Bước qua các cuộc chiến tranh ngay nay các đồng chí là Bộ đội, TNXP, nhiều đồng chí còn mang trên mình những vết thương quặn đau mỗi khi trái gió trở trời, lại trở về đời sống thường nhật, họ lại lao vào công cuộc kiến thiết nước nhà và thật vinh dự, cho đến hôm nay 126 đồng chí là Bộ đội, TNXP xuất ngũ, chuyển ngành của công ty QLĐS Hà Thái chúng ta luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp của Ạnh Bộ đội cụ Hồ, là những cán bộ hay là công nhân, dù ở cương vị nào các đồng chí luôn đoàn kết, gương mẫu đi đầu, vượt qua khó khăn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, vững tâm và hăng say trong lao động, sản xuất, trong các hoạt động phong trào. Nhiều đồng chí đã trơ thành lãnh đạo của Đảng bộ và rất nhiều đồng chí đã và đang là hạt nhân tiêu biểu trong lực lượng tự vệ của Công ty, hay là những đồng chí ngày đêm bám cầu, bám đường, những đồng chí lái xe, lái máy, những đồng chí gác cầu, gác hầm, gác đường ngang. Tất cả, tất cả những chiến sỹ một thời mang trên mình màu xanh áo lính, đã góp phần không nhỏ vào sự thành công, phát triển của Công ty chúng ta ngày hôm nay.

          Đảng bộ, Chính quyền, đoàn thể và cán bộ CNV Công ty luôn luôn chia sẻ những khó khăn mà các đồng chí đã và đang trải qua, đồng thời biết ơn và ghi nhận những thành tích của các đồng chí. Những năm qua biết rằng trong cuộc sống còn vật lộn nhiều khó khăn thách thức nhưng đã thành thông lệ các thế hệ lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, theo dõi, động viên và tạo mọi điều kiện để các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó chính sách hậu phương quân đội là một nhiệm vụ không thể thiếu trong mọi hoạt động của Công ty. Tuy chưa được như mong muốn nhưng phần nào cũng làm ấm lòng những những chiến sỹ đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc và đặc biệt là thân nhân các gia đình là thương binh, liệt sỹ, các đồng chí là thương binh, bộ đội, TNXP xuất ngũ, chuyển ngành...

          Sau gần 40 năm kể từ ngày 30/4/1975 ngày giải phóng hoàn toàn Miền nam giang sơn nối liền một giải, đất nước ta đã có những phát triển vượt bậc về kinh tế Việt nam đã thoát khỏi một nước nước nghèo, chính trị luôn được củng cố và giữ vững, Quân đội ta ngày càng phát triển chính quy và hiện đại, an ninh được bảo đảm; ngoại giao được mở rộng và ngày càng phát triển về chiều sâu. Nhưng các thế lực thù địch vẫn ngày đêm âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với mưu đồ "Diễn biến hòa bình" chúng hỗ trợ, kích động các phần tử xấu nhằm gây mất đoàn kết nội bộ, an ninh trật tự hòng làm suy yếu chính quyền  và có thể tiến tới bạo loạn, lật đổ chế độ ta. Biển đảo của quê hương đâu đó vẫn xuất hiện những con sóng độc, hòng xóa đi những chứng cớ không thể chối cãi về vùng trời, vùng biển và vùng thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp công ước về luật biển năm 1982 đã được thế giới công nhận.

          Trên tinh thần: "Vừa hợp tác, vừa đấu tranh" đó là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Việt Nam quyết giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

          Thưa các đồng chí:

          Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐ.NDVN và 25 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể Công ty TNHH.MTV.QLĐS. Hà Thái xin gửi tới các đồng chí thương binh, các đồng chí quân nhân, thanh niên xung phong đã xuất ngũ, chuyển ngành hiện đang công tác tại Công ty lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Xin cảm ơn và chia sẻ những mất mát, đau thương mà các đồng chí thương binh còn mang trên mình, xin kinh cẩn nghiêng mình trước vong linh các liệt sỹ đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và chia sẻ nỗi đau, mất mát to lớn mà thân nhân các liệt sỹ đã và đang trải qua.

          Chúng tôi mong các đồng chí dù ở cương vị công tác nào cũng luôn nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống Cách mạng xứng danh Anh Bộ đội cụ Hồ. Tiếp tục học tập và công tác ngày càng tiến bộ hơn nữa và luôn là tấm gương cho con cháu nói theo.

          Xin chúc các đồng chí luôn luôn dồi dào sức khỏe, chúc cho Quân đội ta ngày càng tinh nhuệ và tiến thẳng lên chính quy, hiện đại, chúc cho biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, chảy mãi trong mọi con tim khối óc Việt nam.!.