Người anh hùng “Áo bị”

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp đến thăm quê lúa Thái Bình với ý định tìm  hiểu  về người hùng đã góp phần đưa thương hiệu giống lúa quê nhà vươn xa tới các tỉnh thành trong cả nước. Quả như “lời đồn” trước đó, TGĐ công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình để lại ấn tượng cho  người  đối diện  bởi phong thái điềm tĩnh, cách nói chuyện dung dị và tinh  thần lạc quan đến bất ngờ - người luôn ấp ủ ước mơ đầy lùi nghèo khó cho người nông dân chân lấm tay bùn bằng những công trình khoa học về giống lúa, mà ngay đến chính người Mỹ cũng phải thừa nhận: “ông đã làm được việc ngoài suy nghĩ của chúng tôi”. Anh là kỹ sư Trần Mạnh Báo.

Kỹ sư Trần Mạnh Báo trả lời phỏng vấn ( ảnh: Minh Nam)

Mấy năm trước, câu chuyện cửa miệng của dân kinh doanh là“giương buồm ra biển lớn” với những khát vọng mãnh liệt của thời toàn cầu hóa. Thế nhưng, bão tố phong ba, thậm chí có người còn gọi là cuồng phong của suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc hầu hết mọi người tạm gác lại giấc mơ này để chạy lo cơm áo. Vậy mà có một người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chẳng mảy may bận tâm đến điều đó, bởi ngay từ đầu khi chỉ với 2 bàn tay trắng cùng niềm tin tuyệt đối không chút so đo, tính toán, Trần Mạnh Báo đã tự mình viết lên câu chuyện dài kì về chặng đường vượt khó làm giàu không chỉ cho chính bản thân mình mà còn cho những người nông dân nghèo khó.

Giấc mơ của chàng nông dân nghèo khó

“Ngay từ đầu vốn không thích nông nghiệp mà chỉ muốn theo nghề gõ đầu trẻ”- kỹ sư Trần Mạnh Báo đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Nhưng như cái duyên tiền định, cái nghiệp nhà nông vận vào anh từ lúc nào không hay. Cũng bởi bắt đầu từ một đêm cuối thu, hình ảnh người cha khoác trên mình chiếc áo bị không tay, quần đùi mỏng manh, trên vai trĩu nặng đồ đi biển lầm lũi một mình trong đêm tối, giữa mênh mông đại dương sóng nước, bất giác cái suy nghĩ: “vì sao người nông dân lại khổ thế này “ cứ quanh quất, vướng víu mãi trong suy nghĩ của cậu bé Trần Mạnh Báo mới 13 tuổi khi ấy. Và cả đêm đến tờ mờ sáng, Báo cứ ngồi im như thế với khát khao mãnh liệt: phải làm được cái gì đấy cho người nông dân bớt khổ! Tuổi thơ bé bỏng với ước mơ rất người lớn  tưởng như chỉ để ngỏ dở dang như thế….

 Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đang học cấp III,  Trần Mạnh Báo đành "gác bút nghiên", thành lính Sư đoàn 320 sống mái với quân thù trên chiến trường máu lửa Quảng Trị, rồi bị thương ngay chính tại điểm cuối cùng của bờ biển Việt Nam- Hà Tiên vào ngày 17-12-1972.  Trở thành thương binh, nhưng cánh cửa cơ hội vẫn đón chào anh khi chỉ trong 1 ngày, anh nhận hai quyết định: một là được tuyển thẳng vào trường dành riêng cho thương binh ở Hà Bắc (cũ), hai là quyết định chuyển ngành về nông nghiệp, trước là Uỷ Ban Nông nghiệp, sau đổi tên là ty chăn nuôi. Đứng giữa hai lựa chọn: một bên là làm tuyên huấn báo chí đơn thuần, một bên là nông nghiệp. Ý nghĩ của cậu bé Trần Mạnh Báo năm xưa lại dội về: chỉ có con đường kinh doanh mới biến ước mơ của mình thành hiện thực. Và con đường trở thành một nhà kinh tế của anh bắt đầu bằng cột mốc: công nhân chăn nuôi.. lợn. Nhưng chỉ làm được 6 tháng, anh quyết định xin đi học tiếp để viết tiếp ước mơ còn dang dở, ngày 1 - 11 - 1975 anh chuyển về Công ty Giống cây trồng Thái Bình làm tạp vụ.

tong cong ty giong cay trong thai binh
Giống lúa BC 15 đã làm nên kì tích khi bán tới tay bà con

Ý thức được rằng; chỉ có học, có tri thức mới làm nên chuyện lớn, mới có thể cất cao đôi cánh ước mơ của mình, vì thế anh bắt đầu lao vào học, ngày làm thêm, đêm tranh thủ ôn bài, và trời không phụ lòng người, anh  tốt nghiệp cấp III, rồi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp vào năm 1987. Cho đến năm 1986, khi cơn bão số 5 tràn vào Thái Bình quét qua trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ và san bằng mọi thứ, lãnh đạo tỉnh quyết định điều anh xuống xây dựng lại cơ sở vật chất. Mới đầu anh làm Trại phó Trại giống lúa Đông Cơ, huyện Tiền Hải. Nhưng khi xuống tận nơi, chứng kiến cơ sở vật chất dột nát, đời sống công nhân kham khổ, 3 tháng không lương như cái ách nặng nề cùm chân những người công nhân không còn sức sáng tạo chăm chỉ cống hiến.

Lúc này thử thách đặt lên vai của người thuyền trưởng Mạnh Báo nặng hơn bao giờ hết. Anh hiểu nếu như lúc này mình bỏ cuộc, có nghĩa là mình đầu hàng và giết chết hy vọng của mình, cũng có nghĩa ước mơ to lớn ấy sẽ phải dừng chân. Phải bắt tay vào làm mới biết sức mình đến đâu - với suy nghĩ lạc quan ấy, Trần Mạnh Báo đã thai nghén suốt mấy tháng ròng rã bản đề án “Khoán sản phẩm đến người lao động trong nông nghiệp quốc doanh” – một việc chưa từng có trong cơ chế hành chính bao cấp nên đương nhiên khi đưa ra trước Hội nghị cán bộ toàn Công ty, anh đã vấp phải sự phản đối quyết liệt, thậm chí còn cho rằng "đề án phá cơ chế nhà nước". Giữa lúc chấp chới phải đối diện với sóng dữ từ mọi phía, thì 2 cuốn sách đã kịp thời đưa đến anh cái nhìn và niềm tin mãnh liệt. Đầu tiên là cuốn tiểu thuyết "Cù Lao Chàm" của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ngay từ khi ra đời đã bị công kích dữ dội. Khi mà người ta đang ca ngợi kinh tế miền Tây, vựa thóc, vựa lúa của cả nước, văn hoá óc Eo... thì "Cù lao Chàm" lại như một tiếng nói phản biện đanh thép. Rồi đến khi xuất hiện tác phẩm Đứng trước biển ra đời thì lãnh đạo một số tỉnh lúc ấy mới thật sự nổi giận khi nhà văn viết phủ nhận một xí nghiệp đánh cá vừa được phong anh hùng và nhận thấy rằng thời kỳ làm ăn bằng kinh nghiệm đã qua. Nhưng rồi mọi việc đúng như dự báo, xí nghiệp này sau đó làm ăn thua lỗ, phải giải thể.

Từ câu chuyện trên báo đến thực tiễn lúc này đã không còn là khoảng cách, nên dù bị kịch liệt phản đối, anh vẫn thẳng thắn bày tỏ: “Tôi từ chiến trường trở về chỉ với hai bàn tay trắng, không có gì ngoài chiếc áo bộ đội, thế thì lấy lí do gì mà bảo tôi chống tôi phá, trong khi ở đây có gì đâu để tôi phải làm thế!. Dù khó khăn nhưng bằng bản lĩnh của người lính cụ Hồ đã khiến anh khẳng khái nói rành rẽ từng câu một mà cho đến bây giờ, vẫn hằn in trong tâm thức: “Nếu chúng ta không làm thế này thì người khác sẽ làm bởi đây là con đường tất yếu, nếu không làm thì chính chúng ta sẽ có tội với lịch sử”. Bị cho là lý luận suông, nhưng Báo vẫn điềm tĩnh phản bác lại: “Các anh học nhiều hơn tôi nên cũng thừa hiểu lời Mac nói: mọi lý luận chân chính đều bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn. Lý luận, xét tới cùng, là từ thực tiễn mà đúc kết, khái quát lên”. Vin vào niềm tin ấy, Trần Mạnh Báo càng thêm quyết tâm: dù có thể suy nghĩ của mình đi ngược với số đông, nhưng chưa chắc số đông đã đúng. Và cho đến sau này, anh đã… đúng.

Cuộc cách mạng đổi đời

Trần Mạnh Báo vẫn đùa rằng: khi triển khai đề án này như một cuộc cách mạng thật sự, và anh biết một mình một ngựa chiến, chỉ có thể đi tiếp chứ không thể dừng lại. Sau 6 tháng trời mày mò, nghiên cứu, cuối cùng anh đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của công nhân. Ngay vụ khoán đầu tiên, năng suất đã tăng 20%. Rồi liên tiếp những vụ lúa bội thu, cơ sở vật chất của trại được đầu tư mới, đời sống người lao động đã có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Thời điểm năm 1988 - 1991, trong khi nhiều công ty giống cây trồng bị giải thể thì Công ty Giống cây trồng Thái Bình vẫn phát triển tốt.

Điểm đặc biệt là trên thế giới chưa có tiền lệ công ty nào kinh doan giống lúa thuần mà có tốc độ tăng trưởng 20%/năm, chỉ có công ty phát triển bằng giống lai cho nhiều lợi nhuận chứ không phải giống thuần. Vì thế việc làm của Trần Mạnh Báo khi ấy bị cho là lạc hậu, là chậm tiến khi chỉ trung thành với giống thuần. Bởi theo anh thì mục đích của các công ty nước ngoài đó là đầu tư tư bản, lấy lợi nhuận là trên hết, còn công ty CP giống cây trồng được thành lập từ trong khói lửa chiến tranh, với mục đích :người dân sẽ có hạt giống tốt, yên tâm sản xuất, đời sống ấm no.

Và như một điều tất yếu: khi giống tốt, bà con sẽ tin dùng sản phẩm, sản xuất kinh doanh cứ theo đà mà phát triển lên. Không những thế, anh còn tiếp tục mạnh dạn đổi mới, từ thuê chuyển sang mua máy kéo, tiết kiệm 30% chi phí làm đất, cứng hóa hệ thống tưới tiêu, làm giống chất lượng cao và chọn giống siêu nguyên chủng, xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ, xây dựng thương hiệu, lôgô. Sau bao năm kiên trì không ngừng đổi mới, sáng tạo, trồng cây đã đến ngày hái quả: công ty dưới sự điều hành của kỹ sư Trần Mạnh Báo đã trở thành 1 trong 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất Việt Nam trong 2 năm liên tiếp, Đông Cơ trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nông nghiệp tỉnh và được tặng thưởng Huân chương Lao động. Khoán ở Công ty Giống cây trồng Thái Bình thành mô hình để nhiều công ty, nông trường quốc doanh trong nước nghiên cứu đổi mới. Đặc biệt trong năm 2012, doanh thu mà công ty đem về lên tới con số 370,5 tỷ đồng.

Những khúc ngoặt làm nên tính cách

Những tưởng con đường đi đến thành công của người thương binh nặng lòng với quê hương ấy lúc nào cũng trải sẵn hoa hồng, thì gặp ngay phải sóng gió khi lúa BC15 mang tên Công ty Cổ phần giống Cây trồng Thái Bình bị công ty khác làm giả. Đó là giai đoạn khó khăn và thử lửa nhất với Mạnh Báo. Nếu không bằng sự tỉnh táo, bản lĩnh quyết đoán, làm cho đến cùng, thì có lẽ công ty CP giống cây trồng Thái Bình sẽ chẳng thể trụ vững qua cơn bão táp ấy cho đến ngày nay. Bài học kinh nghiệm xương máu ấy với kỹ sư Trần Mạnh Báo như chỉ vừa mới đâu đây, nhưng cũng đủ để cho người lính già ấy thêm phần thấm thía câu: “Chớ vì nghẹn một miếng mà bỏ bữa ăn. Chớ vì ngã một lần mà thôi chân không bước”.

Chơi thân cùng người bạn là kỹ sư Đặng Tiểu Bình khi ấy đang nghiên cứu chọn tạo một giống lúa, với con mắt quan sát tinh tế và nhạy cảm nghề nghiệp, anh đã thấy manh nha một giống lúa mới chất lượng, đồng thời muốn bảo vệ những thành quả nghiên cứu ban đầu của một kỹ sư nông nghiệp tâm huyết, Trần Mạnh Báo đã quyết tâm mua bản quyền giống lúa thuần đầu tiên của cả nước góp phần hình thành thị trường bản quyền và mở ra công tác xã hội hóa nghiên cứu giống lúa . Và để BC15 được công nhận là giống lúa Quốc gia, đủ điều kiện triển khai sản xuất đại trà là cả một chặng đường gian nan vất vả, khi  vụ Xuân 2008, BC15 đã bị nhiễm đạo ôn ở Bình Định, rồi đến cả Thanh Hóa. Không nản chí, anh cùng các cộng sự của mình tiếp tục nghiên cứu để khắc phục hạn chế bệnh đạo ôn đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lịch gieo cấy BC15. Cứ như vậy vừa đưa ra sản xuất, vừa tiếp tục hoàn thiện đến năm 2008 BC15 đã được công nhận giống Quốc gia với các đặc tính ưu việt nhất trong tập đoàn giống lúa thuần Việt Nam: năng suất cao (8-11 tấn/ha/vụ). Ngay sau khi được công nhận giống Quốc gia được 3 năm, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình đã làm nên kì tích khi bán tới tay bà con nông dân trên cả nước 9000 tấn thóc giống BC15.